OU top web
  • Chủ Nhật, 30/08/2020
  • 14:12 GMT +7

Câu chuyện về những cuộc cách mạng trong giáo dục đại học

Gần đây nhiều bài báo bắt đầu lên án trực tiếp ĐH Tôn Đức Thắng về việc mua bán bài báo. Nhưng Tôn Đức Thắng đã cho thấy rõ ràng một cuộc cạnh tranh khác trong giáo dục đại học. Trong thời gian gần đây đánh dấu được 3 lần tranh luận lớn về giáo dục đại học và mang dấu ấn cá nhân rất lớn.

2006: Tự chủ về chương trình và tuyển sinh

Trường ĐH FPT ra đời và tuyên bố có chương trình đào tạo riêng, không theo chương trình cứng nhắc của Bộ. Đồng thời, trường cũng tuyên bố sẽ thi tuyển kiểu riêng không theo khối ngành ABCD như lúc đó sẵn có. ĐH FPT còn tổ chức tọa đàm để có được ủng hộ từ các nhà giáo dục danh tiếng như Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc và tranh cãi nảy lửa về việc tuân thủ những quy định của nhà nước.

TS Lê Trường Tùng

TS Lê Trường Tùng

Hiện nay, về cơ bản những quy định về chương trình đào tạo cứng nhắc và tuyển sinh đã được dỡ bỏ. Các phần này hiện do các trường đại học tự quyết định, không còn như thời điểm năm 2006. Khối thi sau đó mở rộng kiểu như khối A1 và hiện nay cơ bản đã được gỡ bỏ.

Đứng đầu cuộc cải cách này là TS Lê Trường Tùng, hiện đang là thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực.

2010: Đại chúng hóa đại học

Thời điểm 2010, đại học được cho là chỉ dành cho những học sinh có năng lực nói tóm gọn là khá tinh hoa. Nhà có con thi đỗ đại học đặc biệt ở vùng nông thôn thậm chí sẽ mổ trâu, bò để ăn mừng. Nhiều xã ở Việt Nam, nhiều năm liền không có một học sinh nào đỗ đại học.

TS Tạ Xuân Tề

TS Tạ Xuân Tề

Trường ĐH Công nghiệp TP HCM đứng đầu trong trào lưu mở rộng cửa cho sinh viên vào đại học. TS Tạ Xuân Tề, người đứng đầu trường đã có câu tuyên bố "thà học đại học còn hơn để các cháu nghiện hút". Thời điểm 2010 cũng là thời điểm rất nhiều thanh niên không có định hướng rơi vào nghiện hút. Mục đích của người đứng đầu trường rất rõ ràng, đi học sẽ bớt đi một con nghiện.

Đỉnh điểm, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM mở cơ sở khắp Bắc Trung Nam với số sinh viên lên tới 120.000 sinh viên. Thầy Tề tự hào: "tôi nhận rất ít tiền của nhà nước".

Thầy Tề được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và sau khi nghỉ thì Trường ĐH CN TP HCM trở lại là một trường ĐH bình thường, các cơ sở tại các Tỉnh lần lượt chuyển cho địa phương quản lý.

Ngày nay việc vào đại học đã cởi mở hơn và không còn chỉ dành cho tầng lớp tinh hoa.

2015: Thứ hạng của trường đại học

Trước những năm 2015, ít có trường nào nhắc đến thứ hạng các trường đại học. Dự án 4 đại học lớn nhằm xây dựng tinh hoa là Việt Đức, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Anh không phát triển đúng như kỳ vọng. Trong lúc đó nổi lên Trường ĐH Tôn Đức Thắng như một điển hình kiểu mẫu và tăng hạng một cách nhanh chóng. Năm 2020, TĐT là trường duy nhất của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của Giao thông Thượng Hải, một bảng xếp hạng được cho là khắt khe nhất.

TS Lê Vinh Danh

Là người ít tiếp xúc báo chí, kín tiếng, TS Lê Vinh Danh là kiến trúc sư đứng sau những thành công này. Ông còn là người gây tranh cãi khi tự bổ nhiệm GS theo cách riêng "phù hợp với quy định quốc tế". Đồng thời, Tôn Đức Thắng cũng bị chỉ trích vì những chính sách khắc nghiệt với giảng viên và mua bán bài báo khoa học để nhanh chóng đạt thứ hạng.

Hiện nay, việc phong GS, PGS đang dần chuyển cho các trường và cho dù phản đối hay ủng hộ thì các trường đều phải tham gia cuộc đua thứ hạng để khẳng định mình.

Lời kết:

Có nhiều điểm tương đồng giữa 3 con người, 3 trường dẫn dắt 3 công cuộc cải cách khác nhau. Đó đều là những cuộc cải cách gây nhiều tranh cãi tại thời điểm đó nhưng đều mang lại sự tiến bộ. 3 trường đều có đặc điểm chung là có rất nhiều campus và ở những nơi khá khó khăn như: Bảo Lộc, Thanh Hóa, Cần Thơ. Hai hiệu trưởng khi khách vào trường đều mở đầu bằng một câu "đố cậu tìm thấy trong khuôn viên trường có rác". Và còn nhiều câu chuyện thú vị nữa.

* Bài viết thể hiện góc nhìn của TS Đàm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH FPT

Phương Linh (từ FB TS Đàm Quang Minh)
Chia sẻ trên Zalo

Tin cùng danh mục

return to top