Trong những năm qua, Du lịch TP HCM đã có những bước phát triển đáng kể và được xác định là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế trong tương lai. Theo số liệu khảo sát năm 2019, lượng khách du lịch ước đạt 41 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 8,6 triệu lượt bằng khoảng 50% lượng khách du lịch quốc tế của cả nước, khách nội địa ước đạt 32,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 140.000 tỉ đồng.
TP HCM cũng đang quản lý hơn 1.250 doanh nghiệp lữ hành đủ điều kiện kinh doanh, trong đó hơn 650 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 600 doanh nghiệp lữ hành nội địa. TP HCM cũng đã cấp thẻ hướng dẫn viên cho hơn 5.200 người.
Hoàn thiện hạ tầng công nghệ và trải nghiệm thực
Với mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh vào năm 2025, việc ngành Du lịch TP hướng đến xây dựng mô hình du lịch thông minh được xem là có rất nhiều thuận lợi. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết việc TP xây dựng hệ thống du lịch thông minh là để hỗ trợ du khách có những trải nghiệm du lịch một cách tốt nhất, hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch hiệu quả và hỗ trợ cơ quan quản lý du lịch phân tích, dự báo số liệu, tăng cường quảng bá và quản lý hoạt động du lịch.
Du lịch thông minh cũng giúp đẩy mạnh khả năng truy cập và tương tác của du khách để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, khai thác, liên kết dịch vụ du lịch, thanh toán tiện lợi hơn, góp phần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch…
“Từ năm 2018, Sở Du lịch TP HCM đã đưa vào vận hành thử nghiệm ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên nền tảng Androi và iOS nhằm cung cấp những thông tin cần thiết nhất cho du khách, tạo điều kiện cho du khách sắp xếp, lên kế hoạch phù hợp nhất cho chuyến đi thông qua việc được cung cấp thông tin, hình ảnh, tin tức sự kiện về du lịch TP.
Hiện sau 2 năm vận hành, với nhiều lần được nâng cấp, điều chỉnh, phần mềm này đã hoàn thiện với giao diện và được tích hợp nhiều tính năng thân thiện hơn, tương tác nhiều hơn với du khách”- ông Vũ nói.
Phát huy giá trị di sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đề án phát triển du lịch thông minh mà Sở Du lịch TP trình UBND TP HCM lần này cũng đề cập nhiều đến phương thức và mô hình giúp du khách trải nghiệm tốt nhất các dịch vụ du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển khai thác giá trị văn hóa, giá trị di sản, cũng như quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam đến du khách.
Theo đề án, 3 hợp phần chính của điểm đến du lịch thông minh là: Trải nghiệm thông minh; hệ sinh thái kinh doanh thông minh và điểm đến thông minh nhằm mang đến sự chủ động, tiện lợi trong công tác quản lý, xây dựng chính sách và gia tăng, mở rộng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Vì vậy, theo Sở Du lịch TP, Ban xây dựng đề án đặc biệt quan tâm và đặt trọng tâm việc xây dựng mô hình du lịch thông minh trên nền tảng kỹ thuật công nghệ tiên tiến như: Công nghệ ứng dụng Internet vạn vật (IoT), thiết bị đeo công nghệ khai thác dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo, thực tại tăng cường và công nghệ trí tuệ nhân tạo để có thể tương tác, tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển không gian mạng, số hóa, kết nối và tích hợp các hệ thống, quy trình, dịch vụ phục vụ công tác dự báo và điều hành du lịch một cách tổng thể.
Để có thể hiện thực các mục tiêu trên, ngành Du lịch TP HCM dự kiến cần tới hơn 320 tỉ đồng (xã hội hóa 160 tỉ) cho 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Xây dựng kho dữ liệu du lịch tích hợp, tăng cường thu hút và trải nghiệm cho du khách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch.
Nhìn nhận sự cần thiết của việc phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại TP, ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng TP muốn phát triển du lịch thông minh thì phải huy động được doanh nghiệp cùng chia sẻ dữ liệu, có phương thức hợp tác công tư để doanh nghiệp đóng góp cho du lịch thông minh nhiều hơn. Đặc biệt, muốn phát triển du lịch thông minh thì các chính sách phát triển du lịch cũng cần phải quan tâm đến lợi ích của người dân.
“Ngoài câu chuyện kinh tế, tăng thu ngân sách thì vấn đề đời sống của người dân cũng cần được đảm bảo không bị ảnh hưởng, phải tính đến cách thức tái cơ cấu để cuộc sống của họ được hòa nhập. Không chỉ nhìn nhận vai trò của người dân, TP cũng phải xác định phát triển du lịch thông minh song song kết nối thông minh, đó là sự đi lại của du khách, người dân thuận tiện hơn, mang lại các giá trị trong việc khai thác văn hóa, di sản tốt hơn, hiệu quả hơn”- ông Nhân nói.