Doanh nghiệp Nhật trao đổi thông tin với sinh viên
Ngày 4/11, Trường ĐH Công nghệ TP HCM và Công ty Pasona Tech Việt Nam tổ chức ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản. Sự kiện được bảo trợ bởi Bộ Kinh tế- Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Ông Tokiwa Mitsuo, Phó Giám đốc, Văn phòng thương mại và Hợp tác kinh tế Bộ Kinh tế- Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết ngày càng nhiều công ty nhận ra tầm quan trọng của việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài và mời các chuyên gia có năng lực từ khắp nơi trên thế giới làm việc. Các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tất cả đều đang tìm kiếm nhân sự có chuyên môn và tay nghề cao; họ cung cấp cơ hội việc làm cho cả những sinh viên mới ra trường và những người đã có kinh nghiệm. Tại ngày hội việc làm này, các doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng mà còn đưa ra những lời khuyên cho những sinh viên mới tốt nghiệp để các bạn nâng cao kỹ năng của mình.
"Là đại diện của Nhật Bản, tôi hi vọng rằng ngày hội việc làm sẽ là nền tảng tuyệt vời để thu hút sinh viên mới tốt nghiệp đến với các doanh nghiệp Nhật Bản và cân nhắc tìm kiếm việc làm ở Nhật Bản"- ông Tokiwa Mitsuo, nói.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, mỗi năm có khoảng 500 sinh viên của Viện Công nghệ Việt - Nhật, Khoa Nhật Bản học... tốt nghiệp làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Nhật Bản. Định hướng của nhà trường trong thời gian tới là nâng số lượng sinh viên tốt nghiệp làm việc trong doanh nghiệp Nhật lên 700, 800 và hơn nữa.
Ông Phương cho biết Trường ĐH Công nghệ TP HCM là cơ sở đào tạo đa ngành theo định hướng ứng dụng, vì vậy việc hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo là một chủ trương mang tính chiến lược của nhà trường.
Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam từ lâu và là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản bắt đầu gia tăng vào những năm 1980 và sau đó đã tăng mạnh trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xây dựng và nông nghiệp.
Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong nhiều năm qua và Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Các lĩnh vực đầu tư: Nhật Bản đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, bao gồm sản xuất công nghiệp, ô tô, điện tử, dệt may, năng lượng tái tạo, và dịch vụ tài chính. Các tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Panasonic và nhiều công ty Nhật Bản khác đã có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ sự kiện "Gặp gỡ Nhật Bản 2023" kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023) diễn ra tại Bình Dương, nhiều dự án lớn của Nhật Bản được trao chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng tại sự kiện như: dự án của Công ty Nitto Denko Việt Nam sẽ khởi công giai đoạn 6 nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 113 triệu USD; Công ty TNHH MTV SKM Việt Nam khởi công thêm nhà máy 10 triệu USD; Công ty YUWA Việt Nam nhận giấy phép xây dựng thêm dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD…