• Thứ Năm, 25/07/2019
  • 17:16 GMT +7

Từ phim Về nhà đi con: Đã có bao nhiêu người làm cha mẹ thấu hiểu con mình?

“Bố nghĩ mình đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa đủ tốt con ạ. Bố nuôi nó, sống với nó dưới một mái nhà đã 20 năm nay mà không hề biết cái Dương nó hát hay đến thế”.

Hình ảnh của ông Sơn trong bộ phim Về nhà đi con đang chiếu trên truyền hình đang khiến rất nhiều, rất nhiều khán giả yêu quí và khâm phục. Đó là một người đàn ông trong cảnh “gà trống nuôi con” đã 20 năm. Trong 20 năm ấy, toàn bộ thế giới của ông, những niềm vui/nỗi buồn, những hạnh phúc/đau khổ của ông đều xoay quanh 3 cô gái của mình.
 
Người đàn ông đó đã nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến các con của mình đau khổ, đã nhiều lần tự hỏi bản thân đã làm gì để các con mình phải chịu nhiều đau khổ đến thế?! Nhiều lần thấy mình bất lực vì không thể đau khổ thay con…Nhiều câu thoại của ông thực sự đã chạm vào trái tim của khán giả. Ví như câu nói của ông trong tập phim 72. Khi nghe cô con gái thứ 3 của mình hát trong lễ khai trương quán trà của chị gái, ông đã khóc. Có lẽ lúc đó, người xem đã nghĩ ông khóc vì hạnh phúc. Nhưng không phải, ông khóc vì nghĩ mình cố gắng chưa đủ, vì nuôi nấng, sống chung với con gái đã 20 năm mà không hề biết con gái mình hát hay đến thế?! Khi nghe xong câu nói đó của ông tôi tin nhiều người cũng như tôi đã vô cùng xúc động, đã rơi nước mắt cùng ông. Nhưng hơn hết, câu nói đó của ông khiến tôi suy nghĩ. Ông đã nói đúng một vấn đề đang tồn tại giữa cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình chúng ta, nhất là giữa bố mẹ và con cái. Khoảng cách giữa các thế hệ; cuộc sống quay cuồng với những lo toan, tính toán; những suy nghĩ có phần áp đặt và cực đoan của bố mẹ về con cái, về những điều mà ai cũng tự cho là mình đúng đã khiến cho nhiều gia đình bố mẹ và con cái như những người lạ sống chung một nhà.
 
Bố mẹ nào cũng thương con, cũng muốn mang đến cho con cái của mình những gì tốt nhất và cũng sẵn sàng cố gắng hết sức để có thể làm được điều đó. Nhưng tất cả những điều ấy đôi khi lại không phải được định lượng bằng vật chất. Đó: là sự thấu hiểu, bao dung với những sai lầm của con; là sự thừa nhận những cố gắng của con; là sự ủng hộ, khuyến khích với những dự định, kế hoạch của con...Ông Sơn trong phim không giàu có. Ông phải rất chật vật mới có thể nuôi được các con của mình khôn lớn. Nhưng ông đã làm được tất cả những điều ấy. Ông đã luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các con của mình. “Bố chẳng có tài sản gì ngoài các con. Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều. Nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”. Chính vì thế, với các con, ông là “chú gà trống vĩ đại nhất”. Một người cha như thế nhưng vẫn tự trách mình vì cố gắng chưa đủ, vì không nhận ra con gái của mình hát hay đến thế mãi đến khi con 20 tuổi. Người cha ấy đáng để tất cả những người làm cha làm mẹ phải giật mình thảng thốt.
 
Thật sự, lâu lắm rồi truyền hình Việt Nam mới lại có một bộ phim đáng xem như thế cả về kịch bản phim lẫn khả năng diễn xuất của các diễn viên.
Hoàng Mai (GV Trường PT Năng khiếu)
Chia sẻ trên Zalo

Tin mới nhất

return to top